LHQ cảnh báo bất ổn lương thực ở Myanmar

Cơ quan lương thực LHQ cảnh báo giá thực phẩm và nhiên liệu tăng ở Myanmar hậu đảo chính có thể ảnh hưởng tới các gia đình nghèo khó.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) hôm 16/3 cho biết giá lương thực tăng hơn 20% ở một số khu vực quanh Yangon kể từ đầu tháng hai, trong khi giá gạo cũng tăng khoảng 4% ở Yangon and Mandalay vào cuối tháng.

Theo WFP, tại một số khu vực ở bang Kachin phía bắc, giá gạo đã tăng tới 35%, trong khi giá dầu ăn và ngũ cốc tăng rất cao ở một số khu vực trong bang Rakhine ở phía tây.

Chi phí nhiên liệu ở Myanmar cũng tăng 15% toàn quốc kể từ ngày 1/2, thời điểm nổ ra cuộc đảo chính, làm dấy lên lo ngại giá thực phẩm còn tiếp tục tăng hơn nữa, WFP nhận định.

Người dân biểu tình chống đảo chính ở Yangon, Myanmar, hôm 14/3. Ảnh: Reuters.

Người dân biểu tình chống đảo chính ở Yangon, Myanmar, hôm 14/3. Ảnh: Reuters.

"Giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao do tình trạng gần như tê liệt của lĩnh vực ngân hàng, khiến giao dịch tiền chững lại và hạn chế khả năng cung cấp tiền mặt", cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc cảnh báo.

Đại diện WFP Stephen Anderson cho biết trong bối cảnh bùng phát Covid-19, nếu thực phẩm và nhiên liệu ở Myanmar còn tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới người nghèo và người dễ bị tổn thương.

Phát ngôn viên của chính phủ quân sự hiện chưa bình luận về thông tin.

WFP cũng nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres rằng quân đội Myanmar phải tôn trọng ý chí của người dân, được thể hiện qua kết quả cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái.

"Tại WFP, chúng tôi hiểu quá rõ nạn đói có thể diễn ra nhanh chóng thế nào khi hòa bình và đối thoại bị gạt sang một bên", cơ quan của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.

Myanmar đang rơi vào chuỗi ngày bất ổn hậu đảo chính, khi hàng chục nghìn người liên tục xuống đường phản đối chính phủ quân sự. Hôm qua ngày 15/3, hàng chục nhà máy do Trung Quốc rót vốn đã bị đốt phá, sau khi nhiều người biểu tình cho rằng Trung Quốc đang trợ giúp chính quyền quân sự Myanmar. 

Bạo lực đã có dấu hiệu lan ra bên ngoài các nhà máy. Theo một số thông tin trên mạng xã hội, một khách sạn do Trung Quốc sở hữu cùng vài nhà hàng ở Hlaing Tharyar cũng bị phá hủy.

Hành động đốt phá nhà máy là biểu hiện mới nhất của tâm lý phản đối Trung Quốc đã bùng phát ở Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính của quân đội. Người biểu tình đặt câu hỏi vì sao Trung Quốc và Nga không đưa ra những tuyên bố cứng rắn và áp đặt trừng phạt đối với chính quyền quân sự Myanmar.

Phong trào tẩy chay hàng Trung Quốc đang sôi sục trong những tuần gần đây và người biểu tình tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh lên án cuộc đảo chính.

Một số chuyên gia nhận định tình trạng bạo lực được thúc đẩy bởi lo ngại trước sự ảnh hưởng của Bắc Kinh. Công chúng Myanmar trước đây từng phản đối các khoản đầu tư từ Trung Quốc với những hoài nghi lâu nay về mục tiêu của Bắc Kinh cũng như các điều kiện mà họ đặt ra khi tuyển dụng công nhân địa phương tại những nhà máy Trung Quốc./.

VnExpress